Ngày 29/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị xin ý kiến Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (dự kiến diễn ra vào tháng 10/2024).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, phù hợp của chính sách, chế độ bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh. Nhất là khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi, gia tăng các bệnh không lây nhiễm; nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao...
Việc Bộ Y tế tổ chức Hội nghị nhằm lấy ý kiến của các đại biểu để tổng hợp hoàn thiện hồ sơ và dự thảo chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế trình Quốc hội cho phù hợp với thực tiễn, góp phần thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước, bảo đảm quyền và lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế; góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và sử dụng an toàn, hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Thực tiễn cho thấy Luật Bảo hiểm y tế hiện đã bộc lộ nhiều vướng mắc. Chủ trương của ngành Y tế là lấy người bệnh làm trung tâm, vì thế việc sửa luật là để người dân tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, tốt nhất.
Theo Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế Trần Thị Trang, mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung luật lần này nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh. Đồng thời, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm y tế; bảo đảm thống nhất với Luật Khám chữa bệnh 2023 và các luật, quy định có liên quan.
Việc thông qua luật sửa đổi sẽ góp phần bảo đảm người dân được tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng phù hợp và bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn và khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế. Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần quản lý toàn diện sức khỏe người dân; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế…
Tại Dự thảo Luật sửa đổi lần này, phạm vi quyền lợi của bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được mở rộng; đề xuất quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh và có mức hưởng theo quy định với các bệnh nhân đã được cơ sở khám chữa bệnh chẩn đoán một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo quy định của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung nội dung: Thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong trường hợp tại thời điểm người bệnh được kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc, thiết bị y tế nhưng không có sẵn và không thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
Dự thảo Luật còn quy định: Thanh toán chi phí mua lẻ thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp tại thời điểm người bệnh được kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc, thiết bị y tế nhưng không có sẵn và không thể điều chuyển thuốc, thiết bị y tế từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
Theo đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được mua lẻ thuốc, thiết bị y tế không phải thực hiện thủ tục đấu thầu để kịp thời điều trị người bệnh.
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mua lẻ thuốc, thiết bị y tế trên cơ sở giá mua theo đơn giá ghi trên hóa đơn của cơ sở kinh doanh thuốc, thiết bị y tế nhưng không được vượt quá đơn giá thanh toán tại thời điểm gần nhất đối với trường hợp thuốc, thiết bị y tế đã trúng thầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh điều trị.
Trường hợp thuốc, thiết bị y tế chưa trúng thầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh điều trị, đơn giá làm căn cứ để xác định mức thanh toán bảo hiểm y tế là kết quả mua sắm, đấu thầu còn hiệu lực theo thứ tự ưu tiên…
Tại Hội nghị, các địa biểu thảo luận, góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi, tập trung vào các nội dung: Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế; đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; mức đóng bảo hiểm y tế; quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; tên gọi của cơ sở khám chữa bệnh; hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; giám định bảo hiểm y tế; quản lý, trách nhiệm của các bên có liên quan trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp, vướng mắc về bảo hiểm y tế, các chế tài còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh để bảo đảm tính tuân thủ và hiệu lực thực thi pháp luật…/.